Mục lục bài viết
Trước sự phát triển của khoa học và xã hội cũng như đáp ứng các yêu cầu từ những cam kết quốc tế và khắc phục những tồn đọng của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Quốc Hội khóa XV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2022 với một số điểm mới đáng lưu ý. Nội dung bài viết sau đây sẽ tóm tắt những điểm mới trong Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2022 về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu.
Bổ sung phạm vi đối tượng bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh
Về nội dung bổ sung:
Khởi nguồn từ yêu cầu tuân thủ Điều ước quốc tế, mà cụ thể là CPTPP, theo đó âm thanh cũng được xét là một dấu hiệu (mark) để phân biệt các chủ thể với nhau. Theo đó, âm thanh theo quy định của luật mới cũng có thể là dấu hiệu được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu, miễn là phải được thể hiện dưới dạng đồ họa.
Về yêu cầu hồ sơ:
Đối hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh nộp cho cơ quan nhà nước thì nộp kèm cả tệp âm thanh lẫn đồ họa âm thanh của nó. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết cho loại nhãn hiệu này, nên việc thực thi quyền đối với nhãn hiệu âm thanh cần phải chờ đợi thêm hành lang pháp lý. Song, đây cũng là cơ hội để những đơn vị kinh doanh có thể gây ấn tượng với người tiêu dùng bằng một nhãn hiệu “độc đáo”.
Định nghĩa lại khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng
Theo đó, để xác định một nhãn hiệu có là nhãn hiệu nổi tiếng hay không thì nó phải được phổ biến rộng rãi bởi công chúng trên lãnh thổ Việt Nam. Điểm khác biệt lần này là chủ thể làm thước đo cho yếu tố nổi tiếng là công chúng nói chung mà không là người tiêu dùng nói riêng theo luật cũ.
Ngoài ra, các tiêu chí được xem xét nhằm đánh giá tính nổi tiếng của nhãn hiệu phụ thuộc vào một trong các tiêu chí luật định mà không được diễn giải là tất cả tiêu chí như luật cũ.
Bãi bỏ khái niệm về nhãn hiệu liên kết
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ trước đây, Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. Giờ đây, kể từ thời điểm Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2022 có giá trị thi hành thì nhãn hiệu liên kết không là đối tượng được bảo hộ.
Hệ quả của việc sửa đổi này là chủ đơn sẽ phải đăng ký những nhãn hiệu khác nhau cho các sản phẩm trùng hoặc tương tự nhau nếu có nhu cầu mà không thể để một nhãn hiệu đại diện cho nhiều dòng sản phẩm, dịch vụ.
Những điểm mới về trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
- Việc sử dụng nhãn hiệu không được gây cản trở đối việc sử dụng hay phổ biến quốc ca, quốc huy, quốc kỳ của nước Việt Nam hay của quốc gia khác và lẫn quốc tế ca.
- Trường hợp dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hay đặc tính kỹ thuật của hàng hóa mà bắt buộc phải có; việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ thì không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu.
- Trường hợp dấu hiệu là hình dạng thông thường của một phần hay toàn bộ hàng hóa hay bao bì, vật chứa đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn (1); dấu hiệu có yếu tố làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa (2); dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với kiểu dáng công nghiệp/nhãn hiệu đã hoặc đang được bảo hộ (3); dấu hiệu có chứa bản sao tác phẩm(4); không được xét là có khả năng phân biệt. Như vậy có thể suy ra phần nào việc một đối tượng sở hữu trí tuệ “đã hoặc đang được đăng ký” không là tiêu chí loại trừ khả năng phân biệt của nhãn hiệu.
Một số điểm mới về quy trình, thủ tục đối với nhãn hiệu
- Bổ sung cơ chế phản đối đơn đăng ký thay vì chỉ dừng lại ở phạm vi “có ý kiến”.
- Bổ sung trường hợp được yêu cầu tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu (người nộp đơn đề nghị tạm dừng thẩm định đối với đơn đăng ký nhãn hiệu của mình hoặc nhãn hiệu đối chứng trong phạm vi luật định).
- Theo quy định của Luật cũ thì khi một nhãn hiệu đã chấm dứt hiệu lực được bảo hộ quá 05 năm thì nhãn hiệu đó có thể được một chủ thể khác đăng ký và được xét là có khả năng phân biệt. Nhưng trong lần cập nhật lần này thì thời hạn đó là 03 năm.
- Trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu liên tục trong 05 năm mà không có lý do chính đáng và không sử dụng lại trước ít nhất 03 tháng tính từ ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ thì văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực.
- Bổ sung một trong trong những cơ sở để hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ là việc sử dụng nhãn hiệu với ý đồ xấu, nội dung cụ thể sẽ được chi tiết trong văn bản hướng dẫn chuyên ngành.
MONDAY VIETNAM
- E-mail: R@mondayvietnam.com
- Điện thoại: 086 200 7080 – Hotline: 0938 672737
- Trụ sở: 68 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- VPGD: Tầng 5, 205A Thuỷ Lợi 4 Tower, Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
- Tây Nguyên: 124 Ngô Quyền, Phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, ĐakLak.
- Hà Nội: Tầng 5, Số 4, Ngõ 81 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa.