Nhãn hiệu quốc tế được xem là một yếu tố quan trọng để tăng giá trị của sản phẩm và doanh nghiệp, cũng như uy tín và vị thế của quốc gia trên thị trường quốc tế. Vậy nhãn hiệu quốc tế được hiểu là gì? Và hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Việt Nam ra nước ngoài sẽ được thực hiện như thế nào?

Nhãn hiệu quốc tế là gì?

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022). Nhãn hiệu có thể là từ, biểu tượng, thiết kế, màu sắc, âm thanh hoặc bất kỳ yếu tố nào có khả năng gây ấn tượng cho người tiêu dùng. 

Nhãn hiệu quốc tế có thể được hiểu là nhãn hiệu được đăng ký và bảo hộ tại nhiều quốc gia khác nhau, thay vì chỉ tại một quốc gia duy nhất. Tuy nhiên, không có nhãn hiệu quốc tế nào có hiệu lực ở mọi nơi, vì mỗi quốc gia có luật và tiêu chuẩn đăng ký nhãn hiệu riêng.

Nhãn hiệu quốc tế

Tại sao cần đăng ký nhãn hiệu quốc tế?

Đăng ký nhãn hiệu quốc tế là biện pháp quan trọng giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi đưa hàng hóa, dịch vụ của mình ra thị trường nước ngoài. Đăng ký nhãn hiệu quốc tế có những lợi ích sau:

  1. Có thể bán hàng trên các trang thương mại điện tử của các quốc gia.

  2. Nhãn hiệu quốc tế giúp doanh nghiệp được độc quyền sử dụng nhãn hiệu tại các quốc gia mà nhãn hiệu được bảo hộ.

  3. Giảm rủi ro khỏi những hành vi xâm phạm, làm giả, làm nhái nhãn hiệu.

  4. Tạo được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

  5. Với nhãn hiệu quốc tế đã được bảo hộ, doanh nghiệp có thể tiến hành chuyển nhượng hoặc cho phép bên thứ ba sử dụng nhãn hiệu đó trên cơ sở có thu phí.

  6. Tránh được việc bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài và hạn chế thấp nhất chi phí, thời gian cho hoạt động giải quyết tranh chấp có liên quan đến nhãn hiệu.

Một số điều kiện để nhãn hiệu quốc tế được bảo hộ

Để nhãn hiệu được bảo hộ tại nước ngoài cần đáp ứng một số điều kiện nhất định sau:

  1. Nhãn hiệu phải có tính phân biệt, tức là không trùng hoặc gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc sử dụng trước đó của các tổ chức, cá nhân khác.

  2. Nhãn hiệu không vi phạm các quy định về trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục hoặc các quyền hợp pháp của bên thứ ba.

  3. Nhãn hiệu không thuộc các trường hợp không được bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ của từng quốc gia. Ví dụ: Những dấu hiệu chỉ ghi tên loại hàng hóa, dịch vụ; những dấu hiệu chỉ ghi số lượng, chất lượng, giá cả; những dấu hiệu chỉ ghi ngày sản xuất; những dấu hiệu là quốc kỳ, quốc huy, tên, hình ảnh của các danh nhân; những dấu hiệu gây hiểu lầm về nguồn gốc, chất lượng, tính năng của hàng hóa, dịch vụ; …

>>> Xem thêm bài viết: Đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu: 3 nguyên tắc cơ bản và hiệu quả

Hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Việt Nam ra nước ngoài (đăng ký nhãn hiệu quốc tế)

Để đăng ký nhãn hiệu quốc tế, bạn có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại quốc gia dự định đăng ký

Đối với hình thức này cần chuẩn bị các hồ sơ như mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, thông tin người nộp đơn, giấy ủy quyền và tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên (nếu có). Thời gian xử lý đơn khoảng từ 12 – 24 tháng và thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm.

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Đây là hệ thống do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, cho phép đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia thành viên của hệ thống Madrid chỉ bằng một đơn duy nhất. Trường hợp này quy định chỉ cần có đơn đăng ký hoặc văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam trước khi nộp đơn theo hệ thống Madrid.

Đăng ký nhãn hiệu theo vùng lãnh thổ

Đây là cách cho phép đăng ký nhãn hiệu tại một số vùng lãnh thổ có liên kết về sở hữu trí tuệ, ví dụ như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc Hiệp hội các quốc gia châu Phi (OAPI). Chỉ cần nộp đơn tại cơ quan sở hữu trí tuệ của vùng lãnh thổ để được bảo hộ tại các quốc gia thành viên.

Tóm lại, nhãn hiệu quốc tế hiện nay đang là yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp khi muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài. Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế, các chủ thể cần nắm rõ các điều kiện và thủ tục của từng quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

Rate this post

MONDAY VIETNAM

  • E-mail: R@mondayvietnam.com
  • Điện thoại: 086 200 7080 – Hotline: 0938 672737
  • Trụ sở: 68 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • VPGD: Tầng 5, 205A Thuỷ Lợi 4 Tower, Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
  • Tây Nguyên: 124 Ngô Quyền, Phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, ĐakLak.
  • Hà Nội: Tầng 5, Số 4, Ngõ 81 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa.